Tham dự buổi nói chuyện còn có sự hiện diện của Bà Okamoto Noriko – Bí thư thứ hai phụ trách giáo dục Đại sứ Nhật Bản. Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Phạm Thu Hương – Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Cao Đinh Kiên – Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế; TS Trần Thị Thu Thuỷ – Trưởng Khoa Tiếng Nhật; PGS, TS Nguyễn Thị Hiền – Viện Trưởng Viện Phát Triển Nguồn Nhân Lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC); Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường cùng đông đảo sinh viên, cán bộ Nhà trường.

Phát biểu chào mừng tại sự kiện, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định: “Trong những năm qua, hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại thương và các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và được coi là một trong những hướng hợp tác chiến lược của Nhà trường. Với sự nỗ lực của thầy và trò, Trường Đại học Ngoại thương đã trở thành một trong những trung tâm kết nối hợp tác các trường đại học, các tổ chức, các doanh nghiệp của Nhật Bản đến với Việt Nam.

Một số kết quả điển hình của hợp tác của Nhà trường với các đối tác Nhật Bản có thể kể đến như: (i) Dự án Viện Phát Triển Nguồn Nhân Lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) do JICA tài trợ đã được thực hiện thành công trong gần 20 năm qua với chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân hàng đầu ở Việt Nam như Chương trình Keieijuku. (ii) Chuỗi bài giảng và cuộc thi kinh doanh Business Contest hợp tác với JETRO; (ii) Chuỗi bài giảng cho sinh viên được tổ chức bởi Công ty Mitani Sangyo, Ngân hàng Mizuho với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản như Công ty Mitani Sangyo, Ngân hàng Mizuho, Công ty Toyota, Hãng hàng không Japan Airlnes…; (iii) Chương trình cử nhân kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, chương trình cử nhân Kinh doanh số với sự tham gia của nhiều trường đại học Nhật Bản như Đại học Rykkyo, Đại học Waseda, Học viện công nghệ Chiba, Đại học Kanto Gakuin cũng như sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Hai chương trình đào tạo cử nhân này được coi là hình mẫu trong hợp tác về đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương với các trường đại học, doanh nghiệp của Nhật Bản hiện nay. (iv) Hợp tác trong triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, giảng viên Đại học Việt Nam và Nhật Bản. (v) Hợp tác thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nhiều trường đại học của Nhật Bản (ĐH Aomori Chuo…) thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với hơn 30 trường đối tác, mở văn phòng hợp tác của một số trường đại học uy tín Nhật Bản hiện diện tại Trường Đại học Ngoại thương…

Gửi lời chào mừng và cảm ơn sâu sắc tới Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng bài chia sẻ của Ngài Yamada Takio sẽ cung cấp cho cán bộ giảng viên và sinh viên một cái nhìn toàn cảnh về quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đi theo suốt chiều dài lịch sử, từ quá khứ, đến hiện tại và hướng tương lai của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Qua đó, các cán bộ, giảng viên, các em sinh viên xác định được hướng đi, kế hoạch cá nhân góp phần duy trì mối quan hệ tốt đẹp này trong tương lai.

Bài chia sẻ của Ngài đại sứ Yamada Takio gồm 2 nội dung chính: Phần thứ nhất, khởi nguồn của mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam từ sự cộng hưởng và đồng cảm giữa hai nước; và Phần thứ hai về “Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam: kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam: bước nhảy vọt hướng tới tương lai, bước ra thế giới”.

Trong phần chia sẻ đầu tiên, Ngài đại sứ Yamada Takio đã dẫn chứng các tài liệu lịch sử cùng sự tìm hiểu của các nhà nghiên cứu về sự tương đồng giữa văn hóa, địa lý và mối quan hệ giao thương giữa hai quốc gia. Một số điểm tương đồng giữa hai quốc gia có thể kể đến như: Tín ngưỡng kinh A di đà, tín ngưỡng kinh Pháp hoa và Thiền tông; Ảnh hưởng của Nho giáo; Hai quốc gia có vùng biển ở Đông Bắc Á, được phát triển trong môi trường ven núi (satoyama). Bên cạnh đó, nhiều tài liệu, sử tích cũng chỉ ra mối quan hệ giao thương, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia đã tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ 8. Hiện nay, minh chứng về sự giao thương vẫn còn tồn tại như các công trình kiến trúc tại phố cổ Hội An; Sản vật của Việt Nam vượt ra khỏi vùng Đông Bắc Á và lưu truyền đến Nhật Bản (gốm Chu Đậu, thổ cẩm Chăm-pa). Những sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, địa lý cùng sự chăm chỉ, cần cù của người Việt Nam cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự gần gũi, thân thiết giữa con người hai quốc gia.

Hơn nữa, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023, Nhật Bản có 5.050 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69,4 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thành quả tài trợ ODA của Nhật Bản tại Việt Nam có thể kể đến như cầu Nhật Tân, nhà máy xử lý nước An Dương ở Hải Phòng, dự án đào tạo nguồn nhân lực, và nhiều dự án sắp được triển khai trong thời gian tới.

Theo Khảo sát “Thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022” được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tiến hành tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương (nơi các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư) và công bố ngày 13/2/2023 cho thấy, trong số 4.392 doanh nghiệp trả lời hợp lệ có 603 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhất ASEAN. Khảo sát này cũng cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam tích cực về khả năng tăng trưởng.

Hiện nay có khoảng 500 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản sau Trung Quốc. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản khi số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản năm 2011 mới đạt khoảng 50 nghìn người. Số lượng tu nghiệp sinh chiếm khoảng 40% số người Việt Nam sinh sống tại Nhật và là lực lượng không thể thiếu trong sự phát triển của kinh tế Nhật Bản.

Phần hỏi đáp giữa sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cùng Ngài đại sứ Yamada Takio đã diễn ra sôi nổi. Các bạn sinh viên Nhà trường đã mạnh dạn đặt câu hỏi tới Ngài đại sứ xoay quanh vấn đề như: Xu thế toàn cầu hóa và mối quan hệ giữa hai quốc gia; Đánh giá về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay và lời khuyên cho bạn trẻ Việt Nam khi làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản; Những lĩnh vực hợp tác phát triển mới giữa hai quốc gia trong kỷ nguyên số,…

Đại diện sinh viên Nhà trường trao tặng bó hoa tươi thắm thay lời cảm ơn tới Ngài Đại sứ Yamada Takio.

Trước buổi chia sẻ, Ban lãnh đạo Nhà trường đã có buổi gặp và tiếp xã giao với Ngài Đại sứ Yamada Takio và đoàn công tác.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
———-
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: BizContest 2023 – cuộc thi ý tưởng kinh doanh bằng tiếng Nhật đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với sự đồng hành của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội(JETRO Hà Nộ) cùng sự bảo trợ từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam(JCCI) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Triển khai chuỗi bài giảng về phương thức kinh doanh kiểu Nhật Bản với sự xuất hiện của lãnh đạo 8 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản,…

Link báo đưa tin:
Báo Đại biểu Nhân dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/dai-su-toan-quyen-nhat-ban-tai-viet-nam-toi-tham-truong-dai-hoc-ngoai-thuong-i331760/
Báo Sinh viên Việt Nam: https://svvn.tienphong.vn/dai-su-nhat-ban-chia-se-ve-quan-he-viet-nam-nhat-ban-khoi-nguon-va-tuong-lai-tai-dh-ngoai-thuong-post1541230.tpo